Số báo danh:
13
Giới thiệu:
Tác giả Tin Y Khoa
KHOẢNH KHẮC TUYỆT VỌNG VÀ SIÊU NHÂN THẦM LẶNG
Nó là một con nhỏ khá dễ thương. Nó thích hoạt động tình nguyện từ hồi 16 tuổi. Nó giúp đỡ người già ở bệnh viện, dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ ở chùa, dạy vẽ cho trẻ em ở Mái ấm tình thương.
Giờ nó 23 tuổi, đang làm kỹ sư phần mềm tại Công ty Google ở Mỹ. Dẫu bận rộn, nó vẫn nhận lời mời tham gia các sự kiện, các hoạt động được tổ chức nhằm gieo ước mơ cho các bạn nữ yêu khoa học hoặc các bạn trẻ muốn theo đuổi ngành công nghệ thông tin.
Những năm 2015-2016, vài trang báo điện tử như Vnexpress, Dân trí, Kenh14 và một số trang báo tuổi teen đã đưa tin về thành tích học tập và hoạt động của nó.
Song, những người viết các bài báo không hề biết, nó từng là cái bào thai bị từ chối như thế nào. Và, khoảnh khắc quyết định bảo vệ nó, mẹ nó đang ốm, đang khóc và đang tuyệt vọng ra sao.
… Hai mươi tám tuổi, mẹ nó mang thai đứa con đầu lòng. Một bác sĩ chuyên về giải phẫu sinh lý học từng nói: “Người phụ nữ thông minh chỉ cần nằm nghe trứng rụng cũng biết mình sẽ mang thai con trai hay con gái”. Mẹ nó không tin điều đó. Nhưng chị biết mình mang thai con gái đầu lòng ngay từ khi bác sĩ siêu âm còn chưa nhìn thấy tim thai.
Khi ấy, bào thai được 8 tuần mà vẫn chưa có tim thai. Cứ mỗi lần siêu âm, bác sĩ lại lắc đầu, ghi: “theo dõi trứng trống”. Lần khác ghi: “theo dõi thai lưu”. Huyết áp chị bị hạ thấp ở mức 8/5. Chị không ăn được, không uống sữa được, đi lại cũng khó khăn do bị động thai, máu ra nhiều quá. Chị đã nằm bệnh viện hai tuần nhưng tình hình có vẻ vẫn tồi tệ.
Vào một buổi sáng sớm, chị được gọi lên khu vực khám. Cho đến trước lúc đó, chưa ai nói với chị và gia đình là bác sĩ đã chỉ định bỏ thai đi. Trong lúc chờ đợi khám, chị nói với cô y tá: “Chị thấy máu ra nhiều nhưng thai vẫn hành ói quá. Vậy là thai vẫn ổn phải không em?”.
Khi ấy, cô y tá cho biết hôm nay chị được gọi lên đây vì bác sĩ sẽ lấy thai ra. Chị ngạc nhiên, nhờ cô vào hỏi bác sĩ. Chị ngồi chờ trước cửa phòng khám.
Những giọt nước mắt chảy dài lăn trên má chị. Giữa những cơn ho và ói, giữa những âm thanh nấc nghẹn vì buồn đau, chị nghe tiếng kêu cứu của con gái mình:
“Mẹ ơi! Đừng bỏ con…Mẹ ơi! Con muốn được làm con của mẹ”.
Người nữ bác sĩ gọi chị vào, giải thích: phải bỏ thai đi vì chị yếu quá, phần vì thai khó có thể thành hình. Chị xin được ở lại thêm vài ngày nữa để theo dõi. Bác sĩ không bằng lòng với lý do bệnh viện không có chỗ, còn phải chữa trị cho nhiều người khác. Chị đã nằm bảo hiểm y tế hai tuần rồi …Hoặc lấy thai ra rồi dưỡng bệnh hoặc về thôi.
Chị cảm thấy mình không thở nổi. Cảm giác thất vọng và uất ức. Sao một bệnh viện lớn như thế này lại không có chỗ cho mẹ con chị? Chị còn nhớ chị đã khóc như thế nào, đã van nài được ở lại ra sao.
Vào khoảnh khắc tuyệt vọng đó, chị đã chọn bảo vệ con mình.
Chị xuất viện, về nhà và đến khám tại phòng khám tư của một bác sĩ ở Quận 5.
Ông ấy là trưởng khoa cấp cứu ở một bệnh viện phụ sản lớn ngang tầm bệnh viện mà chị vừa xuất viện. Chị được bác sĩ chích thuốc và kê đơn thuốc uống. Rồi tái khám, lại chích và uống.
Chị vẫn yếu, huyết áp vẫn thấp, vẫn không ăn uống được gì nhiều, thỉnh thoảng chuyền nước biển. Nhưng thật kỳ diệu, đến khoảng 11 tuần, bác sĩ nhìn thấy tim thai. Sau 8 tháng 27 ngày, con gái chị chào đời.
24 năm đã trôi qua. Cái bào thai được cho rằng trứng trống ngày xưa giờ đã trở thành cô gái khỏe mạnh, xinh xắn và đầy nhiệt huyết.
Chị không dám nghĩ đến chuyện, điều gì sẽ xảy ra nếu vào cái khoảnh khắc buồn đau và tuyệt vọng ấy, chị đã chọn bỏ rơi con. Sự lạnh lùng luôn đáng sợ phải không? Chị vẫn nhớ sự cương quyết của vị nữ bác sĩ đó. Chị nhớ mình đã khóc như thế nào, đã van nài được ở lại ra sao.
Tuy nhiên, ở tuổi ngoài 50, từng sinh và nuôi hai đứa con lớn lên, từng nhiều ngày tháng chăm mẹ chị bị bệnh do tai nạn giao thông, chăm ba bị ung thư và ba chồng bị bệnh phổi tại các bệnh viện, từng hoảng hốt cùng chồng đưa con trai đi cấp cứu trong lúc con bị bệnh đến hôn mê, chị thật lòng thấy thật biết ơn những người làm bác sĩ.
Ngay cả cái bào thai nghi ngờ trứng trống đó, chẳng phải cũng là do một bác sĩ giúp mẹ con chị đó sao?
Đã có lúc, chị thấy giận, thấy thất vọng vì có cảm giác bị nữ bác sĩ đó bỏ rơi. Nhưng ngay sau đó, chị biết rằng, vẫn còn đâu đó, những bác sĩ đang cứu sống nhiều người. Có thể, họ cứu cả những người ta yêu thương và biết đâu, một ngày kia, là cứu sống chính bản thân ta.
Trong những ngày này, khi cả nước đang oằn mình chống dịch, lực lượng tuyến đầu là các y bác sĩ chính là những người đang ngày đêm đối diện với muôn vàn hiểm nguy. Có người đã chết, có người đã ngậm ngùi nhận về hũ tro cốt của người thân.
Họ cũng có những người thương yêu cần họ bảo vệ. Họ cũng mệt, cũng muốn nghỉ ngơi, cũng muốn ở nhà làm online như nhiều người khác, nhưng vì công việc cứu người nên họ phải xông pha. Họ chính là những “siêu nhân thầm lặng”, theo cách gọi của con gái chị về những người làm bác sĩ.
Nhiều năm tháng về sau này, khi những câu chuyện về dịch bệnh hôm nay đã trở thành quá khứ. Chắc rằng ở đâu đó, sẽ có những người như chị, nhìn con mình lớn lên từng ngày, sống vui khỏe, hạnh phúc và cảm thấy thật biết ơn những người làm bác sĩ hôm nay.
Họ có thể là một mẹ bầu trong video “Ranh giới”, là một cô gái trẻ đang lặng lẽ chống chọi với bệnh covid 19 trong bệnh viện dã chiến hoặc một người chồng nín thở chờ vợ vượt cạn, khi cô ấy vẫn đang là F0.
Cuộc sống vốn rất diệu kỳ. Chúng ta có thể không ngờ, những quyết định tích tắc trong một khoảnh khắc tuyệt vọng lại đem đến cho ta những điều kỳ diệu. Điều kỳ diệu của chị chính là cô con gái mà chị hết mực yêu thương.
Bây giờ, mỗi khi ôm con, chị thấy thật may mắn vì được gặp ông bác sĩ ngày ấy. Thật biết ơn ông, một “siêu nhân thầm lặng”.
KHOẢNH KHẮC TUYỆT VỌNG VÀ SIÊU NHÂN THẦM LẶNG
Nó là một con nhỏ khá dễ thương. Nó thích hoạt động tình nguyện từ hồi 16 tuổi. Nó giúp đỡ người già ở bệnh viện, dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ ở chùa, dạy vẽ cho trẻ em ở Mái ấm tình thương.
Giờ nó 23 tuổi, đang làm kỹ sư phần mềm tại Công ty Google ở Mỹ. Dẫu bận rộn, nó vẫn nhận lời mời tham gia các sự kiện, các hoạt động được tổ chức nhằm gieo ước mơ cho các bạn nữ yêu khoa học hoặc các bạn trẻ muốn theo đuổi ngành công nghệ thông tin.
Những năm 2015-2016, vài trang báo điện tử như Vnexpress, Dân trí, Kenh14 và một số trang báo tuổi teen đã đưa tin về thành tích học tập và hoạt động của nó.
Song, những người viết các bài báo không hề biết, nó từng là cái bào thai bị từ chối như thế nào. Và, khoảnh khắc quyết định bảo vệ nó, mẹ nó đang ốm, đang khóc và đang tuyệt vọng ra sao.
… Hai mươi tám tuổi, mẹ nó mang thai đứa con đầu lòng. Một bác sĩ chuyên về giải phẫu sinh lý học từng nói: “Người phụ nữ thông minh chỉ cần nằm nghe trứng rụng cũng biết mình sẽ mang thai con trai hay con gái”. Mẹ nó không tin điều đó. Nhưng chị biết mình mang thai con gái đầu lòng ngay từ khi bác sĩ siêu âm còn chưa nhìn thấy tim thai.
Khi ấy, bào thai được 8 tuần mà vẫn chưa có tim thai. Cứ mỗi lần siêu âm, bác sĩ lại lắc đầu, ghi: “theo dõi trứng trống”. Lần khác ghi: “theo dõi thai lưu”. Huyết áp chị bị hạ thấp ở mức 8/5. Chị không ăn được, không uống sữa được, đi lại cũng khó khăn do bị động thai, máu ra nhiều quá. Chị đã nằm bệnh viện hai tuần nhưng tình hình có vẻ vẫn tồi tệ.
Vào một buổi sáng sớm, chị được gọi lên khu vực khám. Cho đến trước lúc đó, chưa ai nói với chị và gia đình là bác sĩ đã chỉ định bỏ thai đi. Trong lúc chờ đợi khám, chị nói với cô y tá: “Chị thấy máu ra nhiều nhưng thai vẫn hành ói quá. Vậy là thai vẫn ổn phải không em?”.
Khi ấy, cô y tá cho biết hôm nay chị được gọi lên đây vì bác sĩ sẽ lấy thai ra. Chị ngạc nhiên, nhờ cô vào hỏi bác sĩ. Chị ngồi chờ trước cửa phòng khám.
Những giọt nước mắt chảy dài lăn trên má chị. Giữa những cơn ho và ói, giữa những âm thanh nấc nghẹn vì buồn đau, chị nghe tiếng kêu cứu của con gái mình:
“Mẹ ơi! Đừng bỏ con…Mẹ ơi! Con muốn được làm con của mẹ”.
Người nữ bác sĩ gọi chị vào, giải thích: phải bỏ thai đi vì chị yếu quá, phần vì thai khó có thể thành hình. Chị xin được ở lại thêm vài ngày nữa để theo dõi. Bác sĩ không bằng lòng với lý do bệnh viện không có chỗ, còn phải chữa trị cho nhiều người khác. Chị đã nằm bảo hiểm y tế hai tuần rồi …Hoặc lấy thai ra rồi dưỡng bệnh hoặc về thôi.
Chị cảm thấy mình không thở nổi. Cảm giác thất vọng và uất ức. Sao một bệnh viện lớn như thế này lại không có chỗ cho mẹ con chị? Chị còn nhớ chị đã khóc như thế nào, đã van nài được ở lại ra sao.
Vào khoảnh khắc tuyệt vọng đó, chị đã chọn bảo vệ con mình.
Chị xuất viện, về nhà và đến khám tại phòng khám tư của một bác sĩ ở Quận 5.
Ông ấy là trưởng khoa cấp cứu ở một bệnh viện phụ sản lớn ngang tầm bệnh viện mà chị vừa xuất viện. Chị được bác sĩ chích thuốc và kê đơn thuốc uống. Rồi tái khám, lại chích và uống.
Chị vẫn yếu, huyết áp vẫn thấp, vẫn không ăn uống được gì nhiều, thỉnh thoảng chuyền nước biển. Nhưng thật kỳ diệu, đến khoảng 11 tuần, bác sĩ nhìn thấy tim thai. Sau 8 tháng 27 ngày, con gái chị chào đời.
24 năm đã trôi qua. Cái bào thai được cho rằng trứng trống ngày xưa giờ đã trở thành cô gái khỏe mạnh, xinh xắn và đầy nhiệt huyết.
Chị không dám nghĩ đến chuyện, điều gì sẽ xảy ra nếu vào cái khoảnh khắc buồn đau và tuyệt vọng ấy, chị đã chọn bỏ rơi con. Sự lạnh lùng luôn đáng sợ phải không? Chị vẫn nhớ sự cương quyết của vị nữ bác sĩ đó. Chị nhớ mình đã khóc như thế nào, đã van nài được ở lại ra sao.
Tuy nhiên, ở tuổi ngoài 50, từng sinh và nuôi hai đứa con lớn lên, từng nhiều ngày tháng chăm mẹ chị bị bệnh do tai nạn giao thông, chăm ba bị ung thư và ba chồng bị bệnh phổi tại các bệnh viện, từng hoảng hốt cùng chồng đưa con trai đi cấp cứu trong lúc con bị bệnh đến hôn mê, chị thật lòng thấy thật biết ơn những người làm bác sĩ.
Ngay cả cái bào thai nghi ngờ trứng trống đó, chẳng phải cũng là do một bác sĩ giúp mẹ con chị đó sao?
Đã có lúc, chị thấy giận, thấy thất vọng vì có cảm giác bị nữ bác sĩ đó bỏ rơi. Nhưng ngay sau đó, chị biết rằng, vẫn còn đâu đó, những bác sĩ đang cứu sống nhiều người. Có thể, họ cứu cả những người ta yêu thương và biết đâu, một ngày kia, là cứu sống chính bản thân ta.
Trong những ngày này, khi cả nước đang oằn mình chống dịch, lực lượng tuyến đầu là các y bác sĩ chính là những người đang ngày đêm đối diện với muôn vàn hiểm nguy. Có người đã chết, có người đã ngậm ngùi nhận về hũ tro cốt của người thân.
Họ cũng có những người thương yêu cần họ bảo vệ. Họ cũng mệt, cũng muốn nghỉ ngơi, cũng muốn ở nhà làm online như nhiều người khác, nhưng vì công việc cứu người nên họ phải xông pha. Họ chính là những “siêu nhân thầm lặng”, theo cách gọi của con gái chị về những người làm bác sĩ.
Nhiều năm tháng về sau này, khi những câu chuyện về dịch bệnh hôm nay đã trở thành quá khứ. Chắc rằng ở đâu đó, sẽ có những người như chị, nhìn con mình lớn lên từng ngày, sống vui khỏe, hạnh phúc và cảm thấy thật biết ơn những người làm bác sĩ hôm nay.
Họ có thể là một mẹ bầu trong video “Ranh giới”, là một cô gái trẻ đang lặng lẽ chống chọi với bệnh covid 19 trong bệnh viện dã chiến hoặc một người chồng nín thở chờ vợ vượt cạn, khi cô ấy vẫn đang là F0.
Cuộc sống vốn rất diệu kỳ. Chúng ta có thể không ngờ, những quyết định tích tắc trong một khoảnh khắc tuyệt vọng lại đem đến cho ta những điều kỳ diệu. Điều kỳ diệu của chị chính là cô con gái mà chị hết mực yêu thương.
Bây giờ, mỗi khi ôm con, chị thấy thật may mắn vì được gặp ông bác sĩ ngày ấy. Thật biết ơn ông, một “siêu nhân thầm lặng”.
Điểm bình chọn:
0
Số lượng bình chọn hiện tại
0