Đăng xuất Họ và tên: Đi đẻ thời covi.
Số báo danh: 105
Giới thiệu: Tác giả: Kiều Hợp

Đi đẻ thời covi
3H00 NGÀY 02/10/2021
vỡ ối!
nước cứ thế tuôn ra ồng ộc. Không kìm lại được, cũng không hiểu chuyện gì xảy ra nữa, chạy vội ra nhà vệ sinh lau rửa, nghĩ thôi chắc do sinh lý mang bầu những tháng cuối nên bị chèn ép bàng quang khiến không tự chủ ấy, nghĩ thế thôi rồi vào nằm tiếp, vài phút sau lại ồng ộc. Lạ quá! bình thường đi rồi thì thôi chứ, sao lần này lại nhiều vậy, mà nước tè gì lại không có mùi khai, màu lại trong thế nhỉ. Lau chùi phần dưới lại thấy có dịch nhớt nhớt, thôi xong rồi. Lậy trời phật con mới được hơn 34 tuần thôi. Chồng cứ nghĩ như mọi lần nên lại vỗ về an ủi. Nhưng không lần này có chuyện thật rồi.
9H55 NGÀY 02/10/2021.
Bệnh viện bưu điện
Mỗi bệnh nhân chỉ cho phép một người nhà đi cùng chăm sóc. "Lấy khai báo y tế tại đây"- tiếng nhân viên y tế hướng dẫn. Lóng ngóng một lúc thì bác chồng cũng làm xong thủ tục.
"Mùi gì mà tanh thế nhỉ!"- chị bác sĩ kêu lên. "Chị ơi em bị vỡ ối, chị giúp em với ạ!". "Thảo nào tanh thế! Cởi hết quần ra, lên bàn đi!"
Lúc này chỉ có một cảm giác duy nhất: lo lắng!
Xong là lấy máu xét nghiệm, siêu âm, và quan trọng hơn là test pcr.
12H NGÀY 02/10/2021
phòng 319
“Ôi đau quá. Bác sĩ ơi cho em đẻ đi, làm ơn tiêm thuốc kích đẻ cho em đi ạ, em không chịu được đâu. Hu hu!“ Rồi thì: “bao nhiêu ngày ở nhà thì chả í ới gì, chồng vừa đi làm cái thì đau đẻ”, hay “sao họ không cho người nhà lên à? Đã đau lại có một mình”. Thôi thì muôn ngàn nỗi khổ của những bạn đi đẻ thường: đau kêu khóc và tủi thân. Đáp lại hết là lời động viên an ủi :”thôi gắng lên, chưa có kết quả pcr phải không?”, rồi lại “các bạn phải động viên nhau đi chứ, rủ nhau kêu khóc thế lấy hơi đâu con nó thở rồi lấy sức đâu mà rặn”, hay “không ai phải tiêm thuốc kích cả, sẽ đẻ được hết”. Ôi thôi mình chưa đau, còn gượng được, đành động viên nhau và xoa lưng cho nhau đỡ đau thôi.
16h30. Tại phòng phẫu thuật
“Lên giường đi! Nằm nghiêng, co chân và đầu lại”. Chích hai mũi cột sống, rồi duỗi thẳng người, dang hai chân hai tay. “Kh đâu vệ sinh!”, “ấy vệ sinh phần bụng trước chứ ai vệ sinh phần dưới trước như thế!”. “À uh! làm lại”. Cười mà không cười được, hai tay dang ra hai bên, tay thì chích thuốc tay thì lồng tên. Đầu giữ thẳng. có cái gì đó giật giật ở bụng và rồi oe oe! Giọt nước mắt lăn dài trên má nhưng nụ cười lại nở trên môi không nói được lên lời. “16h55! con gái 2,4kg nha, cho lên nhi theo dõi nhé!”.
Kết thúc lại được tặng một câu: “mũi khâu rất đẹp!”.
17h30- phòng hậu phẫu
Tiếng bíp bíp của máy đo huyết áp và nhịp tim vang lên từng chu kì 15 phút, từng cái ấn kiểm tra tử cung của y tá đau thấu xương, cái dạ dày đói, mệt khiến cho cơ thể chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Tỉnh dậy đã thấy ọe ọe ở giường bên cạnh, sợ quá phụ sản ấy bị nôn, tò mò mà không dám nhìn sang, sợ cái cảm giác khi ai đó không được an lành, niệm a di đà phật.
21H30. TẠI PHÒNG 420
Hạnh phúc vẫn ở bên
Cuối cùng thì đã về phòng sau sinh. Con gái vẫn ở dưới Nhi nên giường chỉ có hai vợ chồng, lần đầu tiên thấy anh lo lắng như vậy, khuôn mặt tái nhợt, hốc hác, lau từng chút nước ấm trên mặt và ân cần chăm sóc cho vợ, call-phone con gái lớn gọi lên hỏi thăm và động viên mẹ. Hạnh phúc không nói lên lời. Hóa ra bao lâu nay hạnh phúc vẫn mãi ở bên vậy mà cứ mải miết đi tìm nơi nao.
(điều đặc biệt là 99% chồng đi chăm vợ)
Nhìn mặt không bắt được hình dong.
Mình là người đầu tiên vào phòng 420. Sau là nhà Lương, rồi một anh to con áo sát nách hở cả cánh tay săm trổ hổ báo, bụng nghĩ ôi thôi đen rồi, đã vào viện mà còn gặp những thành phần này chắc chết, chưa hết sợ thì lò dò tiếp một tên đang xách làn đồ vào cho vợ, chiếc mũ lưỡi trai đen che kín mặt, quần bò rách hầm hố thêm quả tông scan nữa chứ? Khiếp đảm. Ấy thế mà không các chú ấy lại là những con người hòa đồng, dễ mến. Riêng khoản chăm con và chăm vợ thì thôi rồi. An-người có cánh tay xăm trổ- nâng giấc cho vợ từng tí, cứ đúng giờ lại pha sữa đúng cữ cho con, ru con ngủ khiến vợ nhàn tênh. Chiến- tên mũ quần hầm hố cũng không hề kém cạnh, lại còn thêm cái khoản vỗ lưng ợ hơi cho con và quấn tã khăn cho con không khác gì y tá, khiến chồng mình-một giáo viên chân chính phải thốt lên câu: “phải học các chú ấy thôi!”.
sinh con một bề
“Người nhà của bệnh nhân Lương đâu ra đón cháu trai, 3,6kg nhá!”. “Ơ lại con trai nữa à? Sao không bảo siêu âm nhầm nhỉ? Đã hai trai rồi! rõ chán!”. Câu nói của bà ngoại khiến ai chứng kiến cũng phải bật cười, mình được nghe kể lại, cạnh giường nhà bà là nhà mình 3 con gái, nhà Oanh-An là hai trai, bên cạnh Chiến- Liễu hai gái, và cuối Hoa-Huy mới sinh lần đầu 1 trai. An – Oanh bảo em có mối đẻ con trai đấy, làng em mọi người làm nhiều lắm, ai cũng trúng. Mình cười bảo nhà chị cũng có bí kíp con gái nè. Cả phòng cười vang. Phòng 420 có biệt danh là phòng sinh con một bề.
3/10/2021.
Chửa đẻ cửa mả
Sáng nay lại có một phụ sản nữa được chuyển vào phòng. Mình nhớ mình chưa tiêm kháng sinh nên sau khi các y tá tiêm giảm đau cho các sản phụ xong có quay sang chuẩn bị chích kháng sinh cho mình. Bỗng giật giật giật, từng cơn co giật của sản phụ vừa vào phòng cứ liên hồi diễn ra khiến cho ai nấy cũng sợ hãi, các y tá thì cuống cuồng người trợ tim, người gọi điện cho bác sĩ, truyền magie, phòng cấp cứu, mọi thứ diễn ra nhanh nhất có thể. Mặt Hoa-Huy tái mét cắt không giọt máu, chả là em Hoa cũng vừa tiêm mũi giảm đau giống bạn vừa rồi xong, bác chồng cũng ở đâu phi vào và thở phào nhẹ nhõm khi thấy vợ bảo chỉ tiêm kháng sinh và vẫn còn tại vị trên giường. Nghe đâu bảo người phụ sản vừa rồi sinh con lần mấy lận, kiểu cố cho có tẻ có nếp.
Gia đình bất đắc dĩ
Nói gì nhỉ? Khi những con người cùng chung cảnh ngộ từ khắp nơi chốn gặp nhau, cùng chia nhau từng chút không gian của nơi không phải là nhà, biết thông cảm, biết sẻ chia và san bớt cho nhau những niềm vui góp nhặt từ những việc rất đời thường: “anh chưa về à chị? Để em lấy cháo cho chị và vợ em luôn nhé”, hay “chị cứ ngồi đó với bé, để em đi lấy nước pha sữa dùm nha”….cả những câu chuyện vui, những sự góp nhặt tếu táo làm cho căn phòng thêm rộn rã. Vết mổ, vết rạch cũng vì thế mà đỡ đau hơn.
Hội ngộ- chia ly-cách ly- cắt chỉ
Cuộc gặp nào rồi cũng có lúc phải chia xa, xen lẫn trong sự vui mừng vì được về nhà là một chút bùi ngùi thương mến giành cho nhau, cuộc chia ly không có hẹn gặp lại nhưng trong mắt ai cũng ánh lên niềm vui và yêu mến.
-“Ơ thế nhà này không làm thủ tục xuất viện à?”.
-“ Chúng em xin ở lại thêm chị ạ, về rồi không biết có cắt chỉ được không?”.
-“ Cắt chỉ dễ lắm, bảo người nhà cắt rồi rút là được?”.
-“Nhưng ở Quảng Ninh quê em đang thực hiện cách ly, nội bất xuất, ngoại bất nhập, bọn em ở ngoài này làm ăn suốt, giờ muốn về còn không biết có về được không? Mà về được thì diện cách ly ai dám đến cắt chỉ ạ? Em ở ngoài này đi làm, không về cùng vợ con được, bà nội nhát lắm chị?”
Đó là trường hợp nhà Huy-Hoa, các em ấy xin ở lại để tìm đường về quê hương trong thời covid. Không biết giờ các em ấy ra sao, những mong mẹ con em ấy được về quê an lành.
Cô gái mùa thu
Cuối cùng thì con gái cũng được về bên mẹ, nghe các bác sĩ thông báo con ổn định mà mẹ cảm thấy nhẹ cả lòng, cảm tạ trời phật đã che chở cho con, cảm ơn định mệnh đã đưa con đến bên mẹ an lành.
Nắng mùa thu vui đùa trên lá
Con đến bên đời vun đắp những yêu thương
Lời kết
Có những khoảng khắc đến như hơi thở, có những khoảng khắc khiến chúng ta nhận ra hạnh phúc không khó tìm. Covid đã lấy đi của chúng ta rất nhiều thứ nhưng chính covid đã giúp chúng ta sống chậm lại, chánh niệm với cuộc đời.
Mong covid sẽ sớm qua đi để thấy một Quảng Ninh hội nhập và mở cửa, để thấy đất nước mình và trên thế giới sẽ lại nắm lấy tay nhau hát bài ca thân ái. Cám ơn con gái đã đến bên đời, đem mùa thu của đất trời ghi vào khoảng khắc khó phai của lòng mẹ.
Cám ơn đời cho ta những thương yêu!
Hà Nội ngày 24/10/2021
Điểm bình chọn: 0

Số lượng bình chọn hiện tại

0