Số báo danh:
70
Giới thiệu:
Tác giả Đại Nhàn
TÌM LẠI NGƯỜI YÊU CŨ CHO BỐ
Đã gần một năm nay tôi không được gặp bố mẹ mình vì Hà Nội cách ly. Ngày chủ nhật cuối thu, ngồi thu lu ngoài ban công phòng khách ngắm cơn mưa rào buổi sáng, tôi nhớ mẹ, và nhớ bố. Cách đây hơn một năm, cũng vào tầm này, tôi đã hạnh phúc và sung sướng đến nhường nào vào cái khoảnh khắc mà bố gọi cho tôi rồi nói "Bố cảm ơn con!"
Nhà tôi có 5 anh chị em, tôi là em út. Và mọi chuyện vẫn như thế suốt 30 năm nay. Mẹ tôi là lẽ và tôi là đứa con chung duy nhất của bố và mẹ (tôi còn một em gái nữa nhưng em đã mất khi 11 tháng).
Gia đình đông người, lại nhiều mối quan hệ nhạy cảm, một lần phải chịu nỗi đau mất em trai (chú tôi cố tình đi bộ đội theo bố tôi mặc dù bố tôi đã dặn chú ở nhà chăm sóc gia đình, để một mình bố tôi nhập ngũ thôi), một lần phải chịu nỗi đau mất vợ (mẹ đẻ của các anh chị tôi, bà ra đi trong một lần bị sốt xuất huyết), một lần phải chịu nỗi đau mất con (em gái tôi), bố tôi đã phải cố gắng rất rất nhiều để đứng vững, để chèo lái gia đình và là chỗ dựa cho tất cả chúng tôi trong suốt những năm qua. 72 tuổi, khi tóc đã bạc trắng, răng đã rụng gần hết, ông vẫn phải đảm đương trọng trách ấy, và chưa một ngày ngơi nghỉ.
Tôi sống xa bố mẹ và anh chị từ năm 18 tuổi. Tất cả mọi người đều đã lập gia đình và sống gần bố mẹ, trừ tôi. Vì không ở gần thăm nom thường xuyên nên tôi luôn ấp ủ tặng bố mẹ tôi một chuyến du lịch đi đâu đó mà ông bà thích.
Tôi hỏi bố tôi thì ông bảo chỉ ước được một chuyến đi trở về Tây Ninh, nơi ngày xưa ông từng đóng quân ở đó, nơi ông có một tình yêu đẹp đầu tiên với một người phụ nữ. Vùng đất đó, những con người hiền lành, nghĩa tình đã cưu mang ông những ngày đạn bom khốc liệt của tuổi trẻ đó đã thực sự trở thành một phần không thể nào quên trong cuộc đời ông. Bố tôi, một người đàn ông đã trải qua hết những vị đắng, cay, mặn, chát của kiếp người, thực sự rất trân trọng và nâng niu những ký ức ngày đó vì nó thấm đượm tình người. Nơi đó không chỉ có mối tình đầu dang dở ngọt ngào mà còn là chốn đi về một thời của những người lính chiến đấu xa nhà, xa quê hương. Ấy vì thế mà nó thiêng liêng lắm.
Chuyến đi này đường dài và di chuyển nhiều mà mẹ tôi lại say xe nên tôi quyết định sẽ tháp tùng bố đi thôi, còn mẹ tôi sẽ dành một dịp khác đi gần hơn cho bà.
Đó là một chuyến đi đầy xúc cảm. Hơn ngàn cây số từ Bắc vào Nam, thêm hơn trăm cây số về Tây Ninh, rồi tìm kiếm mê mải mới đến nơi vì cảnh vật nay đã đổi khác quá nhiều.
Hơn 40 năm gặp lại, những gương mặt ân nhân của bố tôi ngày đó đã quá già nua, và cũng không ai nơi đó còn nhận ra bố tôi là ai nữa. Chỉ đến khi ông tiết lộ quê Hải Phòng thì mọi người mới vỡ òa. Bà Út, mối tình đầu của bố tôi, lúc đầu hơi ngờ ngợ, nhìn ông trân trối, ngực bà phập phồng. Đến khi nghe mấy chữ "đến từ Hải Phòng", giọt nước mắt bà trào ra, nghẹn đắng. Ông cụ chồng bà hiểu ra sự tình, lẳng lặng đứng lên nhường không gian cho vợ mình và người cũ.
Khoảnh khắc đó không phải là khoảnh khắc của tôi, nhưng tôi cũng vẫn phần nào cảm nhận được giây phút ấy đốn tim như thế nào. Gặp lại mối tình khắc cốt ghi tâm sau hơn 40 năm, khi mà đã gần đất xa trời, họ vẫn dành cho nhau những tình cảm đẹp đẽ nhất, sáng trong nhất. Tôi cảm thấy thứ tình cảm ấy nó khác tình cảm trong giới trẻ chúng ta bây giờ quá. Ngày ngày mở báo mạng ra, chúng ta dường như chỉ thấy những cuộc chia tay trong thù hận, trong dằn vặt, trong đay nghiến lẫn nhau. Thế nên cái thứ tình cảm nặng sâu, sáng trong, rưng rưng như thế thật lòng khiến tôi cảm động. Họ hỏi han nhau, quan tâm nhau thật lòng, vui cho gia đình hạnh phúc của người kia, vui vì vẫn còn nhìn thấy nhau khỏe mạnh khi ở bên kia cái dốc của cuộc đời. Trong câu chuyện của họ, tôi không thấy chút nào của sự "giả trân", chỉ thấy một niềm thương thực sự.
Bố tôi dành những ngày sau đó để đi thăm lại những đồng đội, những người quen cũ, thăm lại Sài Gòn giờ đây đã thay da đổi thịt bao nhiêu so với ngày mới độc lập. Bứt khỏi những lo lắng thường ngày, bứt khỏi vai trò là trụ cột, là chỗ dựa tinh thần cho tất cả anh em chúng tôi, ông đã có những giây phút thực sự cho riêng mình, bùng lại những xúc cảm cá nhân mà dường như đã nguội lạnh từ lâu, trở về với tuổi trẻ, với những khoảnh khắc đẹp nhất của đời người năm ấy.
Ông bảo tôi "Chuyến đi ấy đáng giá quá con ạ, bao nhiêu là xúc cảm. Bố không còn gì cảm thấy hối tiếc nữa. Cảm ơn con..."
Còn tôi, tôi biết khoảnh khắc tuyệt vời của bố cũng chính là khoảnh khắc tuyệt vời nhất của tôi vào mùa thu năm ấy. Bởi với tôi, khoảnh khắc được giúp cho những người mình yêu thương nhất hạnh phúc luôn là những phút giây đẹp nhất, chất nhất trong cuộc sống của mình.
Thế nên, giữa cuộc sống hết sức ồn ào và hối hả ngày nay, tôi vẫn luôn cặm cụi kiếm tìm và nhặt nhạnh những khoảnh khắc vô giá đó, mỗi ngày.
TÌM LẠI NGƯỜI YÊU CŨ CHO BỐ
Đã gần một năm nay tôi không được gặp bố mẹ mình vì Hà Nội cách ly. Ngày chủ nhật cuối thu, ngồi thu lu ngoài ban công phòng khách ngắm cơn mưa rào buổi sáng, tôi nhớ mẹ, và nhớ bố. Cách đây hơn một năm, cũng vào tầm này, tôi đã hạnh phúc và sung sướng đến nhường nào vào cái khoảnh khắc mà bố gọi cho tôi rồi nói "Bố cảm ơn con!"
Nhà tôi có 5 anh chị em, tôi là em út. Và mọi chuyện vẫn như thế suốt 30 năm nay. Mẹ tôi là lẽ và tôi là đứa con chung duy nhất của bố và mẹ (tôi còn một em gái nữa nhưng em đã mất khi 11 tháng).
Gia đình đông người, lại nhiều mối quan hệ nhạy cảm, một lần phải chịu nỗi đau mất em trai (chú tôi cố tình đi bộ đội theo bố tôi mặc dù bố tôi đã dặn chú ở nhà chăm sóc gia đình, để một mình bố tôi nhập ngũ thôi), một lần phải chịu nỗi đau mất vợ (mẹ đẻ của các anh chị tôi, bà ra đi trong một lần bị sốt xuất huyết), một lần phải chịu nỗi đau mất con (em gái tôi), bố tôi đã phải cố gắng rất rất nhiều để đứng vững, để chèo lái gia đình và là chỗ dựa cho tất cả chúng tôi trong suốt những năm qua. 72 tuổi, khi tóc đã bạc trắng, răng đã rụng gần hết, ông vẫn phải đảm đương trọng trách ấy, và chưa một ngày ngơi nghỉ.
Tôi sống xa bố mẹ và anh chị từ năm 18 tuổi. Tất cả mọi người đều đã lập gia đình và sống gần bố mẹ, trừ tôi. Vì không ở gần thăm nom thường xuyên nên tôi luôn ấp ủ tặng bố mẹ tôi một chuyến du lịch đi đâu đó mà ông bà thích.
Tôi hỏi bố tôi thì ông bảo chỉ ước được một chuyến đi trở về Tây Ninh, nơi ngày xưa ông từng đóng quân ở đó, nơi ông có một tình yêu đẹp đầu tiên với một người phụ nữ. Vùng đất đó, những con người hiền lành, nghĩa tình đã cưu mang ông những ngày đạn bom khốc liệt của tuổi trẻ đó đã thực sự trở thành một phần không thể nào quên trong cuộc đời ông. Bố tôi, một người đàn ông đã trải qua hết những vị đắng, cay, mặn, chát của kiếp người, thực sự rất trân trọng và nâng niu những ký ức ngày đó vì nó thấm đượm tình người. Nơi đó không chỉ có mối tình đầu dang dở ngọt ngào mà còn là chốn đi về một thời của những người lính chiến đấu xa nhà, xa quê hương. Ấy vì thế mà nó thiêng liêng lắm.
Chuyến đi này đường dài và di chuyển nhiều mà mẹ tôi lại say xe nên tôi quyết định sẽ tháp tùng bố đi thôi, còn mẹ tôi sẽ dành một dịp khác đi gần hơn cho bà.
Đó là một chuyến đi đầy xúc cảm. Hơn ngàn cây số từ Bắc vào Nam, thêm hơn trăm cây số về Tây Ninh, rồi tìm kiếm mê mải mới đến nơi vì cảnh vật nay đã đổi khác quá nhiều.
Hơn 40 năm gặp lại, những gương mặt ân nhân của bố tôi ngày đó đã quá già nua, và cũng không ai nơi đó còn nhận ra bố tôi là ai nữa. Chỉ đến khi ông tiết lộ quê Hải Phòng thì mọi người mới vỡ òa. Bà Út, mối tình đầu của bố tôi, lúc đầu hơi ngờ ngợ, nhìn ông trân trối, ngực bà phập phồng. Đến khi nghe mấy chữ "đến từ Hải Phòng", giọt nước mắt bà trào ra, nghẹn đắng. Ông cụ chồng bà hiểu ra sự tình, lẳng lặng đứng lên nhường không gian cho vợ mình và người cũ.
Khoảnh khắc đó không phải là khoảnh khắc của tôi, nhưng tôi cũng vẫn phần nào cảm nhận được giây phút ấy đốn tim như thế nào. Gặp lại mối tình khắc cốt ghi tâm sau hơn 40 năm, khi mà đã gần đất xa trời, họ vẫn dành cho nhau những tình cảm đẹp đẽ nhất, sáng trong nhất. Tôi cảm thấy thứ tình cảm ấy nó khác tình cảm trong giới trẻ chúng ta bây giờ quá. Ngày ngày mở báo mạng ra, chúng ta dường như chỉ thấy những cuộc chia tay trong thù hận, trong dằn vặt, trong đay nghiến lẫn nhau. Thế nên cái thứ tình cảm nặng sâu, sáng trong, rưng rưng như thế thật lòng khiến tôi cảm động. Họ hỏi han nhau, quan tâm nhau thật lòng, vui cho gia đình hạnh phúc của người kia, vui vì vẫn còn nhìn thấy nhau khỏe mạnh khi ở bên kia cái dốc của cuộc đời. Trong câu chuyện của họ, tôi không thấy chút nào của sự "giả trân", chỉ thấy một niềm thương thực sự.
Bố tôi dành những ngày sau đó để đi thăm lại những đồng đội, những người quen cũ, thăm lại Sài Gòn giờ đây đã thay da đổi thịt bao nhiêu so với ngày mới độc lập. Bứt khỏi những lo lắng thường ngày, bứt khỏi vai trò là trụ cột, là chỗ dựa tinh thần cho tất cả anh em chúng tôi, ông đã có những giây phút thực sự cho riêng mình, bùng lại những xúc cảm cá nhân mà dường như đã nguội lạnh từ lâu, trở về với tuổi trẻ, với những khoảnh khắc đẹp nhất của đời người năm ấy.
Ông bảo tôi "Chuyến đi ấy đáng giá quá con ạ, bao nhiêu là xúc cảm. Bố không còn gì cảm thấy hối tiếc nữa. Cảm ơn con..."
Còn tôi, tôi biết khoảnh khắc tuyệt vời của bố cũng chính là khoảnh khắc tuyệt vời nhất của tôi vào mùa thu năm ấy. Bởi với tôi, khoảnh khắc được giúp cho những người mình yêu thương nhất hạnh phúc luôn là những phút giây đẹp nhất, chất nhất trong cuộc sống của mình.
Thế nên, giữa cuộc sống hết sức ồn ào và hối hả ngày nay, tôi vẫn luôn cặm cụi kiếm tìm và nhặt nhạnh những khoảnh khắc vô giá đó, mỗi ngày.
Điểm bình chọn:
0
Số lượng bình chọn hiện tại
0