Đăng xuất Họ và tên: BÂY GIỜ HOẶC KHÔNG BAO GIỜ!
Số báo danh: 59
Giới thiệu: Tác giả Uyen Tifi
BÂY GIỜ HOẶC KHÔNG BAO GIỜ!
Đó là câu nói mà mình luôn tự nhắc bản thân khi quyết định bắt đầu làm một việc gì.
Có lẽ chỉ khi đứng trước những phút giây sinh tử, các dấu ấn cuộc đời mới hiển hiện rõ nét nhất. Cám ơn nghịch cảnh đã giúp ta hiểu rõ bản thân và tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời.
Một cuộc đời đáng sống là tập hợp những khoảnh khắc đáng nhớ tươi đẹp nhất.
1. Ta muốn ghi dấu ấn gì trong cuộc đời ta?
Theo mình, các khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời được phân thành hai loại chính:
một là do hoàn cảnh mang đến,
một là do chính ta tạo ra.
Đối với loại một, nếu hoàn cảnh mang đến cho ta những bất ngờ tuyệt vời thì còn gì bằng, ví dụ như hôm nay mình trúng số, giải đặc biệt nhé hoặc sáng đi đổ rác thì vấp phải túi tiền.
Nhưng thường thì cảm giác tuyệt vời của loại này sẽ chẳng tồn tại lâu, bởi lẽ, lửa rơm dễ tàn. Chỉ có những khoảnh khắc do ta tạo ra, cùng với thời gian, công sức, mồ hôi và nước mắt thì những điều đó mới thật sự giá trị, mới ghi nhớ lâu dài.
Bạn đã từng hân hoan, hãnh diện khi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học?
Bạn đã hạnh phúc biết bao khi nhận được lời cầu hôn hay một cái gật đầu yêu sau thời gian dài đeo đuổi?
Bởi thế, mình thì thích loại thứ hai hơn cả. Và mình luôn muốn biến cuộc đời mình như một cuốn phim drama nhiều tập hoặc một cuốn truyện thú vị mà người đọc cứ muốn dõi theo từng trang.
2. Tại sao phải bắt đầu ngay?
Nếu không phải bây giờ thì là bao giờ?
Đó là câu hỏi mình luôn tự nhủ bản thân khi đứng trước những nản lòng và mệt mỏi.
Nếu ta không biết yêu thương ngay bây giờ, thì đợi đến bao giờ?
Sự yêu thương đơn giản chỉ là những cái ôm, cái nhìn trìu mến dành cho người ta thương mỗi sớm mai thức dậy.
Là sự lắng nghe chuyên chú những điều người khác muốn tỏ bày, chia sẻ.
Là những bước chân chậm lại, chỉ để ngước nhìn một chiếc lá thu lìa cành, một mảng trời xanh trong ngày u ám.
Là sự lắng lòng để nhận ra tiếng chim ríu rít đầu hồi mà bởi vô tình ta chẳng buồn lắng nghe.
Mình đã từng đọc đâu đó viết rằng:
Con người ta thường nuối tiếc những gì họ chưa làm chứ không phải những gì họ đã làm.
Đối với mình, điều này rất đúng. Mình không muốn phải thốt lên rằng: ’’Giá mà’’ trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Giá mà mình đã kiên nhẫn và dịu dàng với mẹ hơn!
Giá mà mình đã không nóng giận phản bác lại sếp như thế!
Giá mà mình đã không nặng lời với con đến vậy!
Giá mà…
Khi chứng kiến hàng loạt người quen thân xung quanh ra đi vì Covid, mình đã giật mình thảng thốt và lo sợ. Dịch bệnh sẽ không chừa một ai, không kiêng kị bởi vì bạn giàu có, địa vị, bằng cấp hoặc thế lực đến mức nào. Dịch bệnh cũng không phân biệt màu da, giới tính hay quốc gia mà bạn đang sống.
Có ở trong thời điểm lịch sử thế này, ta mới hiểu được giá trị của sự sống còn và hạnh phúc khi còn người thân. Bởi vậy, nếu không phải bây giờ thì ta đợi đến lúc nào?
3. Trước khi quyết định khởi đầu một việc, ta cần làm gì?
Khi một ý tưởng lóe lên trong đầu là lúc ta cần phải ngồi lại thật yên tĩnh, suy ngẫm và viết xuống tất cả những gì mình nghĩ, kể cả những điều tưởng chừng như vô lý nhất. Bởi vậy, mình nghĩ:
Viết nhật ký là một thói quen tốt dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người chọn sự nghiệp viết lách.
Sau khi viết ra ý tưởng, thông thường thì mình sẽ lựa chọn cách thể hiện mindmap, hay còn gọi là bản đồ tư duy để xem xét, tìm tòi và phân tích tất cả các khía cạnh mà vấn đề mang đến.
Tại sao lại là ý tưởng này mà không phải là bất cứ gì khác?
Tại sao phù hợp trong thời điểm này?
Sau 10 năm nữa liệu ta còn muốn thực hiện hay không?
Ý tưởng này mang đến giá trị gì, cho ai?
Trong đó mình luôn lưu ý đến phân tích yếu tố nội tại: điểm mạnh, điểm yếu của bản thân có phù hợp với ý tưởng, các nguồn lực hỗ trợ và khía cạnh tài chính để thực hiện.
Tiếp đến cần phải sử dụng tư duy phản biện để truy vấn lần nữa rằng ý tưởng kia có đáng để thực hiện không?
Bước cuối cùng trong giai đoạn phân tích là hoạch định các bước cần thực hiện, điều quan trọng là cân nhắc với các công việc còn đang dở dang hoặc các việc liên quan khác.
Tada! Sau khi xác định rằng ý tưởng này đáng được ghi dấu trong cuộc đời chúng ta thì mình sẽ lên kế hoạch hay còn gọi là action plan.
Thường thì kế hoạch sẽ không sát với thực tiễn nhưng ít nhất với bản kế hoạch chi tiết thì ta biết ta sẽ làm gì. Và dựa vào bản kế hoạch ta sẽ nhìn thấy lộ trình thế nào để điều chỉnh phù hợp với những biến động xảy ra.
Kế hoạch gồm hai loại: ngắn hạn và dài hạn.
Mình có thói quen bắt đầu bằng dài hạn trước, hay mình thường nói là nghĩ thật nhiều có thể, vision, mission, mơ mộng, ảo tưởng tất tần tật có thể viết ra. Từ đây mình nhìn thấy được tổng thể các mối liên hệ đối với ý tưởng, các nguồn lực cùng các khó khăn. Trong giai đoạn này, ta sẽ dễ nhìn thấy mục đích của việc ta làm, hay là sứ mệnh của ta đối với xã hội này, cuộc sống này. Khi việc làm có ý nghĩa, mọi nguồn lực sẽ tự dưng đổ về. Mình hay thường nói: ’’Trời chiều lòng người’’ là vậy.
Sau bước đầu tiên với một mớ thông tin hỗn độn, mình bắt đầu trò chơi xếp hình, lựa chọn các điểm cốt lõi và đưa vào trục chính. Kế hoạch ngắn hạn thì có thể là 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 1 quý hay 1 năm. Mình thường lập kế hoạch 3 tháng 1 lần để điều chỉnh phù hợp và quan trọng là thích ứng theo mùa.
Đó là tiến trình khi mình tạo ra một trong những khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời mình. Một trong những khoảng khắc đáng nhớ của năm nay đó là thời điểm mình post chiếc clip đầu tiên của chuỗi video The Four Seasons in Sweden, kênh Vlog Tifinitty của mình.
Thứ Bảy, lúc 8h, ngày 9 tháng 10 năm 2021.
Để mình kể bạn nghe vì sao chiếc clip này có ý nghĩa đến như vậy.
Sau ba năm di cư và đến sống tại Thụy Điển, bắt đầu với số 0 ở mọi phương diện: tình cảm, tài chính, công việc, học hành và cả mối quan hệ. Mình tự cảm nhận cuộc sống thật mờ nhạt và vô vị.
Hạnh phúc là gì vậy?
Là tiền bạc sao? Khi đã có tiền, ta lại muốn có nhiều hơn. Vậy khi nào đủ tiền để hạnh phúc?
Nhà cửa, xe hơi và con cái? Những thứ ấy ta đều có nhưng lòng vẫn rỗng tuếch đến vậy?
Tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình. Những khối tình cảm lúc đong lúc đầy, lúc vui lúc buồn, hoàn toàn khó mà nắm bắt được.
Vậy điều gì khiến ta sẽ hạnh phúc đây?
Mình lay lắt với câu hỏi ấy hơn một năm thì Covid đến, cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại chồng chất nỗi khó khăn. Có những chiều chạng vạng mình ôm ngực khóc tức tưởi, khóc như chưa từng được khóc.
Nỗi nhớ nhà, quạnh hiu, bất lực và mệt mỏi, đó là cảm giác khó chịu mà mình chưa từng trải qua trước đây.
Rất may mắn rằng luôn có ánh sáng cuối con đường hầm. Mình đã tìm đến thiền định. Cứ kiên trì ngồi thật yên tĩnh, lặng lẽ, mọi xôn xao tự dưng lắng xuống và những giá trị tốt đẹp hiển hiện như vốn dĩ nó là.
Mặt trời vẫn chiếu mỗi sớm mai.
Tiếng chim vẫn rộn rang ngoài hiên.
Cụm hoa ven đường vẫn tỏa sắc hương, mặc ai có bận lòng dòm ngó.
Mình lại trở về con người trước đây, lạc quan và yêu đời. Mình yêu từng cái cây, ngọn cỏ, những đợt gió lùa. Mình thấy cái gì cũng đẹp, cũng lung linh và nhiệm màu. Mình say sưa hàng giờ chỉ để chụp hoa bướm hay ngắm hoàng hôn.
Và mình nhận ra rằng mình yêu thích ghi lại mọi khoảnh khắc cuộc sống qua ống kính nhỏ bé.
Mình nghĩ đó là công việc của mình.
Một công việc cần sự kiên trì và góc nhìn khác biệt.
Một công việc đòi hỏi sự sáng tạo và trái tim biết rung động.
Nhưng mọi việc không chỉ có thuận lợi.
Lúc mới bắt đầu, mình còn chưa rõ mình muốn làm gì, thế nào, cho ai? Mọi thứ rất hỗn độn, bởi vậy khi mình bộc bạch với ông xã, ông nghĩ rằng chỉ là thú vui chóng tàn. Bởi vậy việc ghi hình và chụp ảnh khá khó khăn vì sự phản đối của người xung quanh.
Những buổi vừa nấu ăn vừa quay phim thật mệt mỏi, khi mình vừa phải tự làm mọi thứ từ set up, nấu nướng, dọn dẹp và còn hồi hộp khi có người vào bếp phản đối ầm ĩ. Đã có những lần đóng gói thiết bị và đem cất dưới tầng hầm.
Vượt qua những lần ghi hình vất vả, lại đến công đoạn dựng phim. Sau hàng tuần liền xem hết clip này đến clip khác, kể cả các phim truyền hình Thụy Điển về lối sống, ẩm thực, mình lại càng muốn buông xuôi. Bởi lẽ xem lại sources của mình tệ quá, nghiệp dư quá, xấu hổ quá.
Cũng bởi lẽ đó, khi mình liên hệ với một số bạn editor nhờ dựng phim giúp, các bạn từ chối. Nhưng càng về cuối cuộc hành trình, mình tự nhận thức rằng mình phải tạo nên một sản phẩm, một dấu ấn để bắt đầu giấc mơ đời mình.
Đó là những nỗ lực để được thừa nhận và chấp thuận từ người thân.
Đó là sự lao động miệt mài, không bỏ cuộc.
Đó là những yêu thương, giúp đỡ từ các người bạn mà khi cần là luôn có mặt.
Đây là chiếc clip đầu tiên Midsummer l Sum họp sau mùa đại dịch, mời bạn xem và góp ý.
Điểm bình chọn: 0

Số lượng bình chọn hiện tại

0