Đăng xuất Họ và tên: HAI NĂM
Số báo danh: 16
Giới thiệu: Tác giả Mỵ Zero

HAI NĂM

Sáng thức dậy, bật tung cánh cửa sổ, giang tay ra ôm trọn từng tia nắng vào lòng, từng cơn gió thổi nhẹ nhàng, man mát tâm hồn tôi. Lại thêm một ngày nữa, tôi được ở bên cha mẹ mình, từ cái thời tôi nghỉ việc ở công ty đồ hộp, rồi chuyển sang làm tư vấn viên và là thư ký của một công ty bảo hiểm, thì tôi đã ở miết trong nhà. Hạnh phúc làm sao, khi tôi đã từ bỏ quãng thời gian ở trọ, rời khỏi cuộc sống ở trọ thiếu thốn đủ điều, và từ bỏ những quãng thời gian sống xa cha, xa mẹ. Để hôm nay, tôi trân quý từng ngày, được ở cạnh bên cha mẹ mình, để bù đắp những thiếu thốn tình thương trong những ngày qua.
Tôi là một đứa nghiêng về khối C, nhưng vì năm đó tôi muốn thay cha tôi, thực hiện ước mơ là trở thành một bác sĩ, nên tôi bỏ khối C chuyển sang khối B. Đó chính là ước mơ của cha tôi, mà nó là ước mơ của cha, thì tất nhiên nó là ước mơ của tôi. Tôi không nỡ, khi thấy cha tôi cực khổ đi thi, đi ôn để liên thông, để trở thành bác sĩ, dù cho tay nghề của cha tôi như thế nào, thì có một cái bằng Đại Học thì nó vẫn hơn. Kết quả là ba năm, tôi ôm mộng trở thành bác sĩ thay cho cha thất bại, ba lần tôi đã gieo niềm tin hy vọng và chính tôi đã thẳng tay dập tắt nó bằng kết quả, không thể nào thảm hại hơn.
Năm 2016, tôi nộp hồ sơ vào trường đại học Kiên Giang với chuyên ngành Công Nghệ Thực Phẩm, cho đến năm 2020 tôi tốt nghiệp, rồi đi làm đúng ngành một quãng thời gian ngắn. Đầu năm 2021, tôi đầu quân cho một công ty bảo hiểm, cũng chính là công ty nơi cha tôi đang làm. Đôi lúc ngồi nhìn lại cuộc đời, tôi thấy nó vô vị và nhàm chán quá, kiểu như tôi cần phải thêm một ký muối vào, thì nó mới mặn mà hơn. Mấy năm trời sống xa nhà, đôi lúc khi nhìn lũ bạn mình đăng hình bên gia đình, mà tim tôi như thắt lại. Tôi nhớ nhà lắm chứ, nhớ đến vô cùng. Tôi nhớ cái hồi tôi còn ở nhà, có nhiều lần tôi giận dỗi cha mẹ, thế là nhịn ăn, dù cha mẹ tôi có khuyên bảo thế nào, thì tôi vẫn chứng nào tật nấy. Mãi cho đến khi tôi bắt đầu cuộc sống ở trọ, tôi mới biết bữa cơm gia đình nó có ý nghĩa ra sao, nó giá trị như thế nào. Có những lúc, nhớ những món ăn do mẹ nấu, dù chỉ là cái nồi kho quẹt với dĩa rau luộc thôi, tôi cũng thấy ấm lòng vì tìm đâu ra những mỹ vị nhân gian như thế!
Ngày 21/8 tôi nói với cha là: “Cha ơi! Chắc con không làm ngành bảo hiểm nữa đâu cha, tự dưng con thích cái nghề viết lách quá, con muốn phát triển sự nghiệp với nghề viết lách!”. Không chờ tôi phải đợi lâu, cha tôi trả lời ngay lập tức: “Tùy con thôi, con muốn sao cũng được!”. Cảm giác đó, tôi hạnh phúc đến vỡ òa, sau tất cả những năm tháng ăn hại, vô tích sự của tôi thì trong thâm tâm của cha, vẫn còn chứa một niềm tin về tôi, về cái ngày mà tôi sẽ có chút gì đó gọi là thành công trong đời.
Để rồi sau đó, tôi thấy có lỗi với cha vô cùng, cái hồi người cô dẫn dắt cha vô nghề bảo hiểm, cha tôi một ngày đi trực trạm xá, một ngày đi tư vấn. Sau 6 tháng phấn đấu, cuối cùng cha tôi cũng được thăng chức làm trưởng phòng, tôi thì chủ yếu làm thư ký cho cha. Còn bây giờ tôi bỏ ngang, thì ai sẽ phụ cho cha? Tôi bỏ ngang như vậy, liệu có bất hiếu quá không? Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nếu tôi không làm thư ký, thì cha sẽ tuyển người khác, nếu tôi không đi bán bảo hiểm nữa, thì sẽ có người khác bán thay tôi. Nhưng, nếu tôi không viết lách, thì ai sẽ thay tôi, thực hiện ước mơ của mình? Ai sẽ thay tôi, viết nên những câu chuyện cho riêng mình? Vì nó là ước mơ của riêng tôi, nên sẽ chẳng có một ai khác đứng ra thực hiện nó, ngoài chính tôi.
Mãi cho đến đầu tháng chín, tôi bắt đầu tham gia các cuộc thi viết cho đến tận bây giờ. Lúc đầu, tôi cũng không biết mình phải bắt đầu, sự nghiệp viết lách của mình như thế nào và ra sao. Khi lướt ngang lướt dọc, đâu đâu người ta cũng yêu cầu kinh nghiệm và tiếng Anh, thậm chí là bằng cấp đúng chuyên ngành. Kinh nghiệm thì tôi chưa có, tiếng Anh thì dở, bằng cấp thì nó không có tí liên quan. Nên ngoài cái cách tham gia các cuộc thi viết, thì tôi biết làm gì bây giờ.
Hai năm, là quãng thời gian, tôi tự đặt ra cho mình, để tôi có thể xóa mù tiếng Anh, để có thể dày dặn kinh nghiệm và để săn về vài chứng chỉ với nghề. Hai năm, đó là quãng thời gian, tôi tự đặt ra cho mình để mình, vừa xây lên những viên gạch đầu tiên, đặt những nền móng cho sự nghiệp của mình, vừa dành nhiều thời gian ở bên gia đình. Hai năm, sẽ là một quãng thời gian vừa đủ để tôi có thể tự chữa lành, những tổn thương trong trái tim, với một mối tình dài đằng đẵng, bằng cả thanh xuân của tôi, nhưng nó lại nhanh như một cơn gió lướt qua đời tôi. Đã một năm trôi qua rồi, nhưng vết thương ngày đó vẫn còn, thi thoảng đau nhói lên mỗi khi ngồi một mình, suy nghĩ vu vơ.
Tôi cũng không biết, quyết định này có đúng hay không? Nhưng tôi sẽ không bao giờ hối hận. Có ai mà đánh thuế ước mơ đâu, vì giấc mơ là miễn phí, cho nên tôi sẽ không phí hoài cuộc đời, mà không sống trọn vẹn với giấc mơ của mình.
Hơn một tháng qua, có vài cuộc thi đã có kết quả, và kết quả là giải thưởng không gọi tên tôi. Nhưng không vì thế, mà tôi sẽ dừng lại, vì viết là một cách tôi rèn luyện bản thân, viết là một cách tôi học hỏi thêm một điều mới. Viết là một cách, tôi có thêm những trải nghiệm tuyệt vời, và viết là một cái cách mà tôi viết nên những câu chuyện cho riêng mình. Khi tôi là tác giả, tôi sẽ thỏa sức đem tiếng nói của mình, đến với mọi người hơn.
Để đến một ngày nào đó, tôi sẽ là niềm tự hào của cha mẹ tôi, tôi sẽ đưa cha mẹ du lịch khắp nơi trên thế giới, để cha mẹ tôi biết được là: "Tỉnh Kiên Giang quê tôi, nó đẹp như thế nào! Việt Nam của mình nó đẹp ra làm sao, và thế giới nó rộng lớn, tuyệt vời như thế nào!". Tôi sẽ là người thợ chụp ảnh bất đắc dĩ, để lưu giữ lại những khoảnh khắc vui tươi, hạnh phúc này. Vừa suy nghĩ đến thôi, thì tôi tim tôi hạnh phúc ngập tràn, vì chỉ cần cha mẹ vui, thì tôi sẽ thấy vui, cuộc sống của tôi, có những thứ đơn giản như vậy đó.
Ở tuổi hai mươi sáu, tôi bàng hoàng khi nhận ra một điều là: “Thời gian là thứ vô cùng quý giá, nhưng lại là thứ ta hay lãng phí nó mỗi ngày, cho đến một ngày nào đó, ta sẽ giật mình luyến tiếc về những ngày đã qua”. Vì thế, tôi phải nhanh chân lên mới được, tốc độ thành công của tôi, phải nhanh hơn tốc độ già đi của cha mẹ mình. Để một ngày nào đó, tôi sẽ mạnh miệng mà nói với cha mẹ rằng: “Cha mẹ đừng lo gì cả, mọi thứ đã có con lo!”.
Tác giả: Mỵ Zero
Điểm bình chọn: 0

Số lượng bình chọn hiện tại

0